Nếu vào những tháng giữa năm 2021, cộng đồng mạng Việt Nam đứng ngồi không yên trước cơn sốt lan đột biến được hét giá trên trời, thì dạo gần đây có một trào lưu mới đang lan nhanh trong giới crypto đó chính là NFT hình ảnh của tên tuổi đang là tâm điểm của xã hội như ông Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng, Nguyễn Phương Hằng… mặc dù chưa có cơ sở để định giá giá trị nghệ thuật và sưu tầm của những NFT này nhưng chúng vẫn được rao bán với giá hàng tỷ bạc. Điều này đã làm dấy lên một nghi vấn liện NFT có thực sự là một vũ trụ nghệ thuật kỹ thuật số ảo hay đang dần đánh mất bản chất trở thành “lan đột biến” trong không gian crypto.
Hình ảnh của Tỷ phú “tai tiếng” của Việt Nam tràn lan trên các chợ NFT
Sau khi bị bắt và khởi tố với cáo buộc thao túng và che giấu thông tin chứng khoán, hàng loạt NFT hình ông Trịnh Văn Quyết đã được giao bán trên sàn OpenSea với mức giá 17.000 USD khoảng 400 triệu đồng. Tổng số NFT liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết hiện đã lên đến con số gần 100 và chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại.
Nữ đại gia Nguyễn Phương Hằng – hiện tượng mạng đang hot chỉ xếp sau ông Quyết về số lượng NFT có liên quan. Cụ thể, có tổng cộng 23 NFT liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng đang được rao bán.
Các NFT về bà Hằng có giá bán khá đa dạng, từ 0.01 Ethereum (800.000 đồng) cho đến 10 Ethereum (800 triệu đồng). Thậm chí, status của bà Nguyễn Phương Hằng cũng được biến thành NFT để cho vào bộ sưu tập.
Mới đây nhất, Trên một nền tảng, hình ảnh NFT của ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh – được rao bán với giá từ 5 đến 13 ethereum, tương đương 17.606 – 45.777 USD, quy ra tiền Việt khoảng 405 triệu đồng đến 1,05 tỷ đồng.
Nếu tìm theo từ khóa “Tân Hoàng Minh”, “Đỗ Anh Dũng”, hình ảnh về ông Đỗ Anh Dũng xuất hiện dày đặc trên nền tảng này. Tuy nhiên, một số hình ảnh NFT về ông chủ Tân Hoàng Minh lại không được ghi giá tiền.
Chưa biết ai đứng sau việc đút hàng loạt các NFT hay liệu có bất kỳ thuyết âm mưu nào không, nhưng rõ ràng hình ảnh của những tên tuổi “cộm cán” này ngang nhiên xuất hiện trên các chợ NFT và được gắn mác là “tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số” đã làm không ít người hoang mang về “giá trị nghệ thuật” và quy chuẩn để định giá một “tác phẩm nghệ thuật” trong không gian ảo. Việc đút NFT thông qua một cú click chuột, định giá sàn ngẫu nhiên theo ý đồ của người bán và được giao dịch thông qua các ví ẩn danh đã làm nổi bật lên sự lỏng lẻo trong cơ chế quản lý và kiểm duyệt của các nền tảng NFT Marketplace, càng làm dấy lên lo ngại sâu sắc về nguy cơ NFT sẽ trở thành không gian cho các chiêu trò lừa đảo và tội phạm ẩn danh.
Rất cần sự vào cuộc của cơ quan pháp lý
Trong khi có một số nghệ sĩ đã làm việc chăm chỉ để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt, không gian NFT vẫn tràn ngập sự nhếch nhác. Không còn nghi ngờ gì nữa, các chính phủ cuối cùng sẽ ngăn chặn xu hướng này. Mặc dù có một số sàn giao dịch NFT không có quy định KYC / AML, nhưng điều này chắc chắn sẽ thay đổi trong tương lai.
Vào cuối năm ngoái, Quan chức ngân hàng Trung Quốc cho rằng tính phi tập trung và ẩn danh khiến NFT hay metaverse có thể thành công cụ của tội phạm rửa tiền và khủng bố.
“Tài sản số mang tính phi tập trung, ẩn danh và không có biên giới. Chúng được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch phi pháp như tống tiền, buôn ma túy, đánh bạc, rửa tiền, cung cấp tài chính cho khủng bố, trốn thuế và chuyển tiền xuyên biên giới”, Gou Wenjun, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Giám sát Chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nói trong một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải tháng này.
Theo ông Wenjun, phương thức sở hữu tài sản kỹ thuật số như tiền mã hóa, NFT và vật phẩm ảo trong metaverse sẽ liên tục thay đổi. “Chúng tách biệt với thế giới thật và có khả năng vận hành liên kết ở mức độ nào đó, khiến tài sản ảo rất dễ trở thành công cụ rửa tiền”.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 2 đã đưa ra một loạt các khuyến nghị để chống lại các hoạt động tài chính bất hợp pháp trên thị trường nghệ thuật.
Theo bản báo cáo, tùy thuộc vào cấu trúc và các chính sách, thị trường nghệ thuật kỹ thuật số, chẳng hạn như NFT, có thể tiềm ẩn những rủi ro mới. Vì các đặc điểm của nghệ thuật kỹ thuật số dễ tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho hay bộ này sẽ xin đóng góp ý kiến từ các bên liên quan như Quốc hội hoặc trong chuyên gia trong ngành. Vị quan chức này nói thêm rằng Bộ Tài chính Mỹ hy vọng nghiên cứu sẽ khuyến khích triển khai nhiều biện pháp bổ sung để hoạt động rửa tiền thông qua thị trường nghệ thuật trở nên khó khăn hơn. Bộ Tài chính cũng sẽ cân nhắc thêm về việc liệu có cần áp đặt các bước điều chỉnh bổ sung trên thị trường này hay không.