Mời các bạn cùng điểm qua một số sự kiện nổi bật của không gian tiền số trong bản tin vắn crypto ngày 18/07/2022 của TintucNFT.
1.Vốn hóa thị trường tiền số trở lại mốc 1 nghìn tỷ đô la, sau chuỗi ngày lao dốc
Sau nhiều tuần liên tiếp gây thất vọng cho các nhà đầu tư, BTC đã tăng lên mức cao hàng tháng là 22.430 đô la vào đầu ngày 18/7, phần nào mang lại sự khởi sắc cho toàn bộ thị trường tiền điện tử. Mặc dù giá BTC đã ghi nhận sự giảm nhẹ vào thời điểm viết bài, khi giao dịch ở mức 22.110 đô la, tăng 4,19% trong 24 giờ qua và gần 9% trong 7 ngày qua, theo dữ liệu từ CoinMarketCap. Song song với việc tăng giá, khối lượng giao dịch của BTC cũng tăng hơn 15% trong ngày qua, ghi nhận ở mức 31,6 tỷ đô la. Trong khi đó, sau khi đạt mức cao nhất hàng ngày là 1.486 đô la, ETH đã lùi về mức 1.477 đô la tại thời điểm báo chí, mức được nhìn thấy lần cuối vào ngày 12/6, tăng gần 30% trong 7 ngày qua. Khi cả BTC và ETH đều ghi nhận mức tăng, phần còn lại của thị trường cũng chìm trong sắc xanh, với tổng vốn hóa thị trường của tiền điện tử lần đầu tiên tăng trở lại trên 1 nghìn tỷ đô la kể từ ngày 13/6.
2.Ấn Độ kêu gọi sự hợp tác quốc tế về quy định chung cho tiền điện tử
Bộ trưởng Bộ tài chính Ấn Độ – Nirmala Sitharaman, đã lên tiếng kêu gọi sự hợp tác toàn cầu để điều chỉnh thị trường tiền điện tử, thông qua việc đánh giá ưu và nhược điểm của chúng để tạo thành một tiêu chuẩn chung dành cho loại tài sản này. Phát biểu tại Lok Sabha – Hạ viện của Quốc hội Ấn Độ, Sitharaman đã nói rằng Ngân hàng dự trữ Ấn Độ (hay còn gọi là RBI), đã đề xuất với Chính phủ nên cấm sử dụng tiền điện tử vì nó gây ra rủi ro cho sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, Chính phủ đang tìm kiếm một cách tiếp cận toàn cầu: “Bất kỳ luật nào dù là về quy định hay lệnh cấm đều chỉ có thể có hiệu lực sau khi có sự hợp tác quốc tế, nhằm đánh giá rủi ro và lợi ích, cũng như sự phát triển của các tiêu chuẩn và phân loại thông thường” – Bà nói. RBI đã duy trì lập trường phản đối tiền điện tử kể từ năm 2013, khi liên tục đưa ra nhiều lời cảnh báo chống lại việc đầu tư vào tài sản kỹ thuật số, thậm chí cấm các ngân hàng cung cấp dịch vụ cho các công ty tiền điện tử vào năm 2018. Mặc dù Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc liệu có nên tiếp tục với lệnh cấm, hay điều chỉnh lĩnh vực non trẻ, nhưng Chính phủ đã tương đối nhanh chóng đề xuất và thực hiện hai luật thuế gây tác động mạnh mẽ đến ngành công nghiệp tiền điện tử ở nước này.
3.Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông đánh giá cao tầm quan trọng của tiền điện tử
Giám đốc điều hành Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (viết tắt là HKMA) – Eddie Yue, đã tuyên bố rằng mặc dù mang lại nhiều rủi ro, nhưng tiền điện tử là ngành cò khả năng đóng vai trò trung tâm trong các hệ thống tài chính trong tương lai. Phát biểu trong cuộc họp các quan chức tài chính G20, Yue cho biết rằng công nghệ cung cấp năng lượng cho hầu hết các dự án tiền điện tử, có thể được điều chỉnh để phù hợp với hệ thống tài chính chung. Tuy nhiên, tiền điện tử cần được điều chỉnh bởi những khuôn khổ quy định nhất định, để giảm thiểu những rủi ro tương tự như với sự cố của hệ sinh thái Terra gần đây, gây thiệt hại đáng kể. “Bất chấp sự cố Terra, tôi nghĩ rằng tiền điện tử và DeFi sẽ không biến mất, mặc dù chúng có thể sẽ bị kìm hãm. Công nghệ và sự đổi mới kinh doanh đằng sau những phát triển liên quan đến lĩnh vực này, có thể sẽ rất quan trọng đối với hệ thống tài chính của chúng tôi trong tương lai”. – Ông cho biết.
4.Celsius đưa ra hướng giải quyết sau khi hoàn thành thủ tục phá sản
Celsius Network đã trình bày trước tòa vào hôm thứ Hai, về tình hình hiện tại của công ty và hướng giải quyết tiếp theo sau khi hoàn thành xong thủ tục phá sản. Như đã báo cáo trước đó, Celsius hiện có 4,3 tỷ đô la tài sản, bao gồm 600 triệu đô la mã thông thông báo CEL, cùng với 5,5 tỷ đô la nợ phải trả. Về kế hoạch tiếp theo, Celsius cho biết sẽ cung cấp cho khách hàng hai tùy chọn, bao gồm nhận khoản thanh toán tiền mặt chiết khấu hoặc duy trì tiền điện tử dài hạn, có thể liên quan đến việc phân phối mã thông báo CEL. Mã thông báo CEL hiện đang giao dịch ở mức 0,80 đô la, với vốn hóa thị trường là 191 triệu đô la, mặc dù Celsius trước đó đã tuyên bố rằng họ sở hữu 600 triệu đô la mã thông báo CEL. Gần đây, một số luật sư cũng đã bình luận về hồ sơ phá sản của Celsius, cho rằng với việc thiếu tiền lệ pháp lý và các vụ kiện nhắm đến công ty đang diễn ra, cũng như sự phức tạp của việc phá sản theo Chương 11, thì người dùng Celsius có thể phải đối mặt với một quá trình khá dài để có thể thu hồi được tiền gửi.
5.Coinbase nhận giấy phép từ Ý, nỗ lực lấn sang thị trường Châu Âu
Bất chấp những tin đồn gần đây xoay quanh việc mất khả năng thanh toán, sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu Coinbase tiếp tục nỗ lực tấn công vào thị trường Châu Âu sầm uất. Theo một thông báo từ Coinbase vào ngày 18/7, công ty đã nhận được sự chấp thuận từ Cơ quan quản lý Phòng chống rửa tiền của Ý (hay còn gọi là OAM), để trở thành nhà cung cấp dịch vụ tài sản kỹ thuật số tại quốc gia này. Chia sẻ về điều này, Nana Murugesan (Phó chủ tịch Bộ phận phát triển kinh doanh và quốc tế của Coinbase), cho biết việc được phê duyệt sẽ cho phép Coinbase tiếp tục cung cấp các dịch vụ tiền điện tử và ra mắt các sản phẩm mới ở Ý. Sàn giao dịch đang trong quá trình mở rộng sự hiện diện của mình trên khắp Châu Âu, thông qua kế hoạch đăng ký giấy phép tại nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Pháp và Hà Lan…
6.Nga ra mắt tài sản kỹ thuật số đầu tiên được hỗ trợ bởi kim loại quý hiếm
Công ty blockchain do Chính phủ Nga hậu thuẫn Atomyze đã phát hành tài sản kỹ thuật số đầu tiên được hỗ trợ bởi palladium – một kim loại quý hiếm thuộc nhóm platin, với sự hợp tác của ngân hàng địa phương Rosbank. Theo một thông báo chính thức vào hôm thứ Hai, tài sản kỹ thuật số mới được phát hành là tài sản tài chính kỹ thuật số (viết tắt là DFA) đầu tiên được ra mắt thông qua Atomyze. Đây là nền tảng nhận được sự chấp thuận của ngân hàng Trung ương Nga vào tháng 2/2022, trở thành nhà quản lý tài sản kỹ thuật số hợp pháp đầu tiên tại quốc gia này. Cả Atomyze và Rosbank đều được hỗ trợ bởi Interros – một tập đoàn và công ty đầu tư của Nga, do nhà tài phiệt Vladimir Potanin đồng sáng lập. Chia sẻ về sự ra mắt mới, Potanin đã bày tỏ sự tin tưởng khi cho rằng các DFA do Atomyze phát hành như mã thông báo palladium, sẽ sớm thay thế các loại tiền điện tử như BTC. Cả Atomyze và Rosbank đều gọi sản phẩm đầu tư mới về mặt kỹ thuật là “mã thông báo palladium”, sản phẩm này mang đặc điểm của một stablecoin được hỗ trợ bởi kim loại quý.
7.Ngành Blockchain tại Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư khủng
Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ông Trần Minh Duy Cris – CEO của Quỹ Khởi nghiệp quốc gia Việt Nam và là Giám đốc chiến lược của Tập đoàn Huobi Global tại Việt Nam, đã đưa ra dự báo xác suất rất cao các kỳ lân tiếp theo của Việt Nam sẽ nằm trong ngành công nghệ Blockchain. Theo ông, Blockchain là một trong những ngành đang thu hút dòng vốn mạnh nhất của Việt Nam hiện nay. Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2021, các dự án blockchain đến từ Việt Nam đã huy động được khoảng hơn nửa tỷ USD. Mặc dù đánh giá cao thị trường startup Việt Nam, nhưng ông Cris cũng đưa ra một số điểm hạn chế đối với lĩnh vực blockchain. SSo với các nước trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan, Việt Nam đang có những sản phẩm tự sản xuất đạt chất lượng tốt, nhưng nếu không hành động nhanh hơn, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội lớn để thu hút dòng tiền đầu tư trong lĩnh vực này. Khi nói về xu hướng đầu tư của các quỹ vào các dự án startup ở lĩnh vực blockchain, ông Cris cho biết Việt Nam hiện đang bị chậm so với các nước lân cận về số lượng các startup có thể tham gia vào thị trường quốc tế. Mặc dù các startup thuộc lĩnh vực blockchain của Việt Nam vượt trội hơn hẳn so với những nước khác: “Startup Blockchain ở Việt Nam đang vượt trội hơn so với các nước. Thị trường và startup Việt Nam rất nhạy bén, thức thời, bắt nhịp nhanh các xu hướng công nghệ mới tiềm năng như Blockchain với dòng tiền đổ vào rất lớn và nhanh hơn so với các công nghệ khác” – ông nói. Với những điểm mạnh trên, ông Cris khẳng định rằng Việt Nam hoàn toàn có thể nằm trong top 10 trên thị trường và là một trong những cái nôi sản sinh ra những dự án blockchain tốt nhất thế giới.
8.Số lượng “cá voi” Ethereum bất ngờ tăng vọt
Sau vài tháng chứng kiến sự sụt giảm, số lượng ví Ethereum chứa từ 1.000 đến 10.000 ETH đã bất ngờ tăng vọt. Đồng thời, các địa chỉ ETH nhỏ hơn cũng đang có xu hướng tăng. Theo dữ liệu từ Santiment, lượng “cá voi” đã tăng mạnh trong vài tuần qua sau khi chạm đáy vào tháng 5, điều này đã phần nào ngăn chặn chuỗi giảm kéo dài nhiều tháng. Tính đến ngày 17/7, đã có 131 ví “cá voi” xuất hiện, với tổng số trong thời gian ngắn vượt quá 6.666 ví. Các nhà đầu tư ETH nhỏ hơn cũng chứng kiến xu hướng tăng tương tự. Những người nắm giữ ít nhất 1 ETH đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1,5 triệu. Mặt khác, các địa chỉ có 100 ETH trở lên cũng đạt mức cao nhất trong 15 tháng là hơn 45.000. Sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà đầu tư có thể được thúc đẩy bởi sự kiện Hợp nhất sắp diễn ra. Đây được cho là sự kiện được mong đợi nhất trong năm của cộng đồng tiền điện tử, chứng kiến sự chuyển mình của Ethereum, từ PoW sang PoS.
9.Lộ diện thêm một tổ chức lớn cho 3AC vay 2,36 tỷ đô la
Theo một tài liệu được công bố bởi Teneo Restructuring vào tối ngày 18/7, công ty môi giới tiền điện tử Genesis Trading – một công ty con thuộc Digital Currency Group, tập đoàn sở hữu Grayscale và nền tảng truyền thông CoinDesk, được phát hiện là công ty tiếp theo tham gia vào danh sách các “chủ nợ” của quỹ đầu tư tiền điện tử Three Arrows Capital (hay còn gọi là 3AC), với khoản vay thế chấp 2,36 tỷ đô la. Các tài sản thế chấp cho khoản vay gồm hơn 17,4 triệu cổ phiếu GBTC và 446.928 cổ phiếu GETH, đây là hai sản phẩm quỹ đầu tư tiền điện tử của chính Grayscale, cùng 2,7 triệu mã thông báo AVAX và 13,5 triệu mã thông báo NEAR. Genesis tiết lộ đã bán tất cả tài sản thế chấp của 3AC khi quỹ đầu tư không thể đáp ứng yêu cầu gọi ký quỹ. Đứng trước những nghi vấn tương tự như các chủ nợ khác của 3AC, liên quan đến việc mất khả năng thanh toán vì khoản vay khổng lồ, người phát ngôn đại diện cho Digital Currency Group (viết tắt là DCG) và Genesis Trading tuyên bố rằng cả DCG và Genesis đều không bị ảnh hưởng bởi khoản vay. Hiện Genesis không còn mối quan hệ nào khác với 3AC, công ty sẽ tiếp tục hoạt động ổn định và có nguồn tài chính được hậu thuẫn mạnh mẽ.
10.Binance “lật đổ” Coinbase, trở thành sàn giao dịch thống trị nguồn cung BTC
Theo dữ liệu từ Glassnode được chia sẻ bởi nhà phân tích tiền điện tử Will Clemete, Binance đã vượt mặt Coinbase, trở thành sàn giao dịch nắm giữ nhiều BTC nhất. Dữ liệu từ Glassnode cho thấy Coinbase đã chứng kiến dòng chảy ròng của BTC trong hai năm qua, với tổng cộng 450.000 BTC, số dư BTC của Coinbase đã giảm từ 10.000 đến 30.000 BTC, theo Glassnode, điều này là do quá trình chuyển những đồng tiền này sang ví mới không liên quan đến Coinbase. Ngược lại, so với cùng kỳ, số dư ròng của Binance đã tăng khoảng 300.000 BTC. Đây chính là lý do khiến Binance có thể “lật đổ” Coinbase để vươn lên trở thành sàn giao dịch có nguồn cung BTC lớn nhất.
Lưu ý quan trọng: Toàn bộ nội dung trên website chỉ dành cho mục đích thông tin và hoàn toàn không phải là lời khuyên đầu tư hoặc tài chính. Không có thông tin nào trên trang web này cấu thành để: dựa vào, gợi ý, đề nghị hoặc mời gọi, tham gia vào bất kỳ hoạt động nào liên quan đến đầu tư hoặc giao dịch tài sản số.
Và chúng tôi luôn luôn phải nhắn nhủ rằng: Các khoản đầu tư tiền điện tử có tính chất mạo hiểm và rủi ro cao. Đừng đầu tư nhiều hơn những gì bạn có thể để mất.