Mời các bạn cùng điểm qua một số sự kiện nổi bật của không gian tiền số trong bản tin chiều ngày 15/07/2022 của TintucNFT.
1.Khối lượng giao dịch Bitcoin ở Philippines tăng mạnh, bất chấp căng thẳng thị trường
Bất chấp sự không chắc chắn về quy định xung quanh tiền điện tử ở Philippines, khối lượng giao dịch Bitcoin trên sàn giao dịch tiền điện tử ngang hàng lớn Paxful, đã tăng lên đáng kể trong vài tháng qua. Theo dữ liệu từ Bitcoin Coin Dance, gần đây khối lượng giao dịch BTC bằng đồng peso của Philippines (ký hiệu là PHP) đã tăng đều đặn trên Paxful và cuối cùng đạt kỷ lục mới vào tháng 7, ghi nhận ở mức 111 triệu PHP (tương đương 1,9 triệu đô la) trong tuần kết thúc vào ngày 9/7. Đây được cho là lượng PHP lớn nhất từng được giao dịch với BTC trên Paxful. Lượng BTC thực tế được giao dịch trên Paxful so với PHP trong tuần đó là 92 BTC, giảm nhẹ so với tuần trước kết thúc vào ngày 2/7. Sự gia tăng của giao dịch BTC trên Paxful ở Philippines bắt đầu trong bối cảnh thị trường tiền điện tử suy thoái, với BTC mất khoảng 50% giá trị kể từ đầu tháng 5. Song, khối lượng BTC bằng PHP thậm chí còn tăng cao hơn trên Paxful sau khi BTC giảm xuống dưới 19.000 đô la vào cuối tháng 6. Đồng thời, sự tăng trưởng đáng kể cũng được thúc đẩy bởi việc đồng nội tệ của quốc gia này đang suy yếu, cùng với lạm phát gia tăng. Ngân hàng Trung ương Philippines đang có kế hoạch tăng lãi suất vào giữa tháng 8 để kìm chế lạm phát.
2.Bitfinex quyên góp 600.000 đô la tiền điện tử cho các doanh nghiệp ở El Salvador
Theo một thông báo vào hôm thứ Năm, sàn giao dịch tiền điện tử Bitfinex đã quyên góp 36 BTC và USDT với tổng trị giá 600.000 đô la, cho các doanh nghiệp nhỏ ở El Salvador – quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp nhận BTC là tài sản hợp pháp, như một phần của cam kết hỗ trợ phát triển kinh tế, ở các khu vực đang phải vật lộn với bạo lực liên quan đến các băng nhóm đường phố. Số tiền quyên góp đang được trao đến các cộng đồng như Ilopango, Soyapango và Apopa, nơi mà bạo lực băng đảng và tống tiền các chủ doanh nghiệp nhỏ diễn ra thường xuyên. Các khoản đóng góp sẽ được tài trợ thông qua ví BTC của người nhận, bao gồm ví Chivo do nhà nước phát hành, sẽ hỗ trợ các sáng kiến kinh doanh thân thiện với môi trường sử dụng lao động địa phương. Theo thông báo, ngoài việc tài trợ cho các khoản đóng góp, công ty mẹ của Bitfinex – iFinex Inc., đang làm việc với Chính phủ El Salvador để tạo ra một khuôn khổ quy định mới cho tài sản kỹ thuật số và chứng khoán. Kể từ khi chấp nhận BTC là tài sản hợp pháp vào năm ngoái, El Salvador đã liên tục bổ sung BTC vào kho dự trữ, hiện quốc gia này đang nắm giữ 2.301 BTC, trị giá 46 triệu đô la tích lũy.
3.Gã khổng lồ Tencent đóng của nền tảng NFT khi doanh số bán hàng sụt giảm
Gã khổng lồ công nghệ Tencent của Trung Quốc, đã đóng cửa một trong hai nền tảng NFT của mình do doanh số bán hàng sụt giảm được thúc đẩy bởi các chính sách “đàn áp” của Chính phủ Trung Quốc. Tencent đã quyết định đóng cửa một trong những nền tảng NFT của mình vào ngày 1/7, trong khi nền tảng còn lại cũng đang phải vật lộn để duy trì hoạt động. Công ty đã chuyển giao các giám đốc điều hành chủ chốt chịu trách nhiệm quản lý nền tảng NFT vào cuối tháng 5, và xóa hoàn toàn danh mục sưu tầm kỹ thuật số khỏi ứng dụng Tecent News vào đầu tháng 7. Nguyên nhân chính dẫn đến việc quyết định này là do chính sách “bảo thủ” của Chính phủ, khi cấm người mua NFT thực hiện các giao dịch riêng tư sau khi mua, điều này khiến những NFT mất khả năng sinh lời, đồng thời kìm hãm doanh số bán hàng trên các nền tảng NFT. Xu hướng sưu tầm NFT đã thu hút được nhiều sự quan tâm ở Trung Quốc vào đầu năm nay, với một số gã khổng lồ công nghệ như Tencent và Alibaba đã tham gia vào không gian, thông qua việc ra mắt các nền tảng NFT của riêng họ. Tuy nhiên, với sự phổ biến gia tăng, các NFT cũng nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của Chính phủ, một số cơ quan quản lý đã lên tiếng cảnh báo các nhà đầu tư nên cảnh giác với những trò gian lận xung quanh các NFT này.
4.Một CryptoPunk được bán với giá 2,6 triệu đô la, phá vỡ thị trường ảm đạm
Bất chấp sự suy thoái diễn ra trên cả thị trường tiền điện tử lẫn NFT, CryptoPunk #4464, một trong 24 NFT theo chủ đề vượn, đã được bán với giá 2.500 ETH (tương đương 2,6 triệu đô la), đây được cho là đợt bán NFT lớn nhất trong suốt 30 ngày qua trên toàn bộ thị trường. Mặc dù áp lực giảm gần đây đối với ETH có thể ảnh hưởng đến giá trị đô la của NFT theo thời gian, nhưng đây được ghi nhận là đợt bán hàng có giá trị thứ tư của bộ sưu tập. Còn tính theo đô la Mỹ, thì đây là đợt bán CryptoPunk có giá trị thứ 15 cho đến nay. Trái ngược với xu hướng giảm giá xung quanh NFT, giá sàn của các bộ sưu tập hàng đầu đã thực sự tăng trong những tuần gần đây, với giá sàn của bộ sưu tập CryptoPunks tăng hơn 65% trong 30 ngày qua. Câu lạc bộ Du thuyền Bored Ape (BAYC) – dự án NFT phổ biến nhất, đã chứng kiến mức giá sàn trung bình tăng 21%, trong khi dự án đồng hành Câu lạc bộ Du thuyền Mutant Ape cũng tăng 25%. Giao dịch bán CryptoPunk #4464 cũng cho thấy rằng mặc dù khối lượng giao dịch và giá sàn trung bình trên toàn thị trường NFT đã giảm xuống mức thấp nhất hàng năm, song các dự án NFT phổ biến nhất vẫn đang thu hút sự chú ý nghiêm túc.
5.Tiền điện tử ngày càng gặp nhiều trở ngại hơn trên thị trường Ấn Độ
Hội đồng tài sản tiền điện tử và blockchain (viết tắt là BACC) – cơ quan vận động duy nhất đại diện cho lợi ích của ngành công nghiệp tiền điện tử ở Ấn Độ, đã chính thức bị giải tán. Theo chia sẻ từ những người trong cuộc, Hiệp hội Internet và Di động của Ấn Độ (viết tắt là IAMAI) đã tự đưa ra quyết định giải tán mà không thảo luận vấn đề này với BACC. Nguyên nhân được IAMAI xác nhận là do sự thiếu chính chắn giữa các nhà sáng lập tiền điện tử khi giao dịch với Chính phủ, cũng như không có những biện pháp mạnh mẽ đối với các vấn đề quan trọng mặc dù đã được cơ quan tài chính quốc hội của Ấn Độ nhắc nhỡ. Theo IAMAI, họ cảm thấy rằng họ đang mạo hiểm trên danh tiếng và sự tín nhiệm có được sau nhiều năm làm việc với các ngành công nghiệp mới, và đã đến lúc ngành công nghiệp tiền điện tử phải nhận ra rằng cần thay đổi cách tiếp cận của mình. Động thái này đã giáng một đòn nặng nề lên ngành công nghiệp tiền điện tử ở Ấn Độ, vốn đã bị ảnh hưởng bởi hàng loạt những khó khăn như đối mặt với các loại thuế cứng, các bộ xử lý thanh toán bị cắt khỏi các sàn giao dịch, cùng với khối lượng giao dịch sụt giảm đáng kể và thị trường gấu đang diễn ra trên toàn cầu.
6.Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ” cho ngành công nghiệp Blockchain
Chia sẻ tại talkshow The Next Power, hậu duệ Hoàng gia Đức – Schamburg-Lippe – Heinrich Donatus, đã đưa ra nhiều đánh giá tích cực về triển vọng phát triển công nghệ blockchain tại Việt Nam. Trong khuôn khổ talkshow, với tư cách là người trực tiếp kinh doanh trong lĩnh vực blockchain và là nhà sáng lập của Quỹ đầu tư 3.0 Labs, Heinrich Donatus đã đặc biệt nhấn mạnh đến những cơ hội và thách thức mà các nước đang phát triển như Việt Nam, cần vượt qua để có thể áp dụng rộng rãi công nghệ blockchain. Theo Heinrich Donatus, với web3, các quốc gia đang phát triển sẽ có cơ hội để bắt kịp nhanh hơn so với các nước phương Tây, nhưng điều này đòi hỏi hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc và đây là một vấn đề lớn vì muốn ứng dụng công nghệ mới cần phải loại bỏ cơ sở hạ tầng cũ trước khi ứng dụng, quá trình này cần rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đối với quốc gia như Việt Nam lại khác, nhờ vào dân số đông và kinh tế tăng trưởng nhanh.
“Rất nhiều người không được tiếp cận với các nguồn lực tài chính, và chính phủ lại trực tiếp tham gia vào nền kinh tế. Vì vậy, đây là cơ hội để chính phủ bỏ qua tất cả các bước mà các nước phương Tây từng thực hiện để đạt được mục tiêu chỉ với duy nhất trong một bước” – ông nói.
Chia sẻ về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Heinrich Donatus nhận định rằng khác với các công ty phương Tây, các doanh nhân ở Việt Nam lại rất sáng tạo trong cách làm việc, khi nhìn thấy những cơ hội mà người khác không nhìn thấy và nhanh chóng tìm ra những giải pháp. Về hướng đi cho Việt Nam để có thể nắm bắt cơ hội, ông cho biết:
“Giống như Nhật Bản và Trung Quốc đã làm, bạn chỉ cần đưa tài nguyên của bạn ra, các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ luôn sẵn sàng hợp tác để xây dựng web 3.0 tại Việt Nam.”
Cuối cùng, ông đưa ra lời khuyên rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng vào những kế hoạch dài hạn và nghiêm túc coi đó là một doanh nghiệp, đồng thời tận hưởng niềm vui của việc kinh doanh blockchain.
7.OpenSea cắt giảm 20% nhân sự, để chống chọi với “mùa đông crypto”
Nền tảng NFT hàng đầu – OpenSea đã tham gia vào danh sách các công ty tiền điện tử buộc phải cắt giảm nhân sự, để chống chọi lại sự suy thoái đang diễn ra trên thị trường. Devin Finzer (Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của OpenSea), đã thông báo vào thứ Năm rằng công ty đang sả thải hơn 20% nhân sự, do ảnh hưởng mạnh mẽ của mùa đông tiền điện tử cùng với sự bất ổn kinh tế vĩ mô trên toàn cầu. Động thái trên phần nào phản ánh rõ tình trạng bất ổn của thị trường tiền điện tử, với giá trị tổng hợp đã giảm hơn 2/3 so với mức đỉnh của năm ngoái. Việc OpenSea – nền tảng NFT lớn nhất thế giới tính theo khối lượng giao dịch, cắt giảm nhân sự đã một lần nữa chứng minh rõ ràng rằng không có một công ty nào an toàn trước sự sụp đổ của thị trường.
8.CFTC cảnh báo nhà đầu tư về các công ty tiền điện tử chưa đăng ký
Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hoa Kỳ (hay còn gọi là CFTC), đã thêm 34 pháp nhân nước ngoài chưa đăng ký, vào Danh sách Đăng ký thiếu sót (hay còn gọi là danh sách RED), trong đó có 6 công ty cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử. Trong một thông báo hôm thứ Năm, CFTC cho biết họ đã mở rộng danh sách các công ty chưa hoàn thành đăng ký để được phép cung cấp các dịch vụ như giao dịch quyền chọn nhị phân, ngoại tệ hoặc các sản phẩm khác như tiền điện tử. Với 6 công ty liên quan đến tiền điện tử được nêu tên, bao gồm BO TradeFinancials, CryptoBO, Bitpay Options, CryptoSphereFX, Direct Cryptos và Prime Crypto FX. Kể từ năm 2015, CFTC đã đưa 202 công ty vào Danh sách RED, nhằm cảnh báo các nhà đầu tư có trụ sở tại Hoa Kỳ nên thận trọng khi sử dụng các sản phẩm hoặc tham gia vào các nền tảng, mà trước đây đã chứng kiến một số lượng lớn các khiếu nại về gian lận. Chia sẻ về vấn đề này, Ủy viên CFTC Kristin Johnson cho biết bởi vì các công ty này không được đăng ký với CFTC, nên khi khách hàng tham gia vào có thể sẽ không nhận được lợi ích hợp pháp gắn với việc giám sát thị trường của CFTC. Đồng thời, việc giao dịch với các pháp nhân chưa đăng ký, có thể khiến khách hàng Hoa Kỳ gặp phải những rủi ro đáng kể.
9.Vương quốc Anh kêu gọi sự hợp tác quốc tế để chấn chỉnh thị trường tiền điện tử
Cơ quan quản lý tài chính của Vương quốc Anh (hay còn gọi là FCA), đã cho biết Chính phủ quốc gia này đang có kế hoạch trao đổi với các đối tác của mình ở Hoa Kỳ, để giải quyết khuôn khổ quy định cho tiền điện tử. Trong một bài phát biểu với Viện Kinh tế Peterson vào thứ Năm, Giám đốc điều hành FCA – Nikhil Rathi nói rằng Hoa Kỳ và Vương quốc Anh sẽ củng cố mối quan hệ về quy định tiền điện tử, sau các cuộc thảo luận giữa các nhà quản lý tại sự kiện Đối tác Đổi mới Tài chính diễn ra vào ngày 29/6. Ngoài ra, Chính phủ Anh đã phối hợp với cả Hoa Kỳ và Singapore để thành lập một lực lượng đặc nhiệm của Tổ chức Chứng khoán Quốc tế nhắm vào sự rủi ro tài chính phi tập trung, và tính toàn vẹn của thị trường tiền điện tử. Theo Rathi, FCA không có quyền cho phép tạo ra khuôn khổ quy định cho tiền điện tử ở Vương quốc Anh, vì nhiều quy tắc của nó trong lĩnh vực liên quan đến Chống rửa tiền. Do đó, FCA cần sự vào cuộc của cộng đồng quốc tế nhiều hơn nữa để chấn chỉnh thị trường tiền điện tử. Hiện FCA đang hợp tác với các cơ quan Hoa Kỳ, bao gồm SEC, CFTC và DOJ nói riêng, điều này đã tạo ra một bộ tiền lệ quan trọng, chứng minh khả năng hành động hiệu quả trên cơ sở toàn cầu.
10.Người dùng “thở phào nhẹ nhõm”, sau khi CoinFLEX mở lại hoạt động rút tiền
Sàn giao dịch tiền điện tử CoinFLEX đang mở lại một phần hoạt động rút tiền, điều này phần nào trấn an người dùng rằng công ty vẫn đang dần phục hồi, sau những hạn chế thanh khoản do khách hàng cấp cao gây ra. Theo thông báo, bắt đầu từ 12 giờ trưa theo giờ Việt Nam ngày 15/07, tất cả người dùng CoinFLEX sẽ có thể rút tối đa 10% tổng số tiền của họ. Tất cả các yêu cầu rút tiền hiện tại hoặc trước đó sẽ bị hủy và trả về tài khoản tương ứng, mang lại cho người dùng khả năng thực hiện các yêu cầu mới phù hợp với giới hạn 10%. Với 90% còn lại sẽ được coi là quỹ bị khóa hoặc quỹ xuất hiện trên số dư của họ nhưng không thể rút, giao dịch và sử dụng làm tài sản thế chấp. Các hướng dẫn mới áp dụng cho tất cả các tài sản ngoại trừ flexUSC, một stablecoin chịu lãi suất, cho đến khi có thông báo mới. CoinFLEX đã thông báo ngừng rút tiền vào ngày 23/6, sau khi một đối tác được cho là mất khả năng thanh toán khoản nợ 47 triệu đô la.
Lưu ý quan trọng: Toàn bộ nội dung trên website chỉ dành cho mục đích thông tin và hoàn toàn không phải là lời khuyên đầu tư hoặc tài chính. Không có thông tin nào trên trang web này cấu thành để: dựa vào, gợi ý, đề nghị hoặc mời gọi, tham gia vào bất kỳ hoạt động nào liên quan đến đầu tư hoặc giao dịch tài sản số.
Và chúng tôi luôn luôn phải nhắn nhủ rằng: Các khoản đầu tư tiền điện tử có tính chất mạo hiểm và rủi ro cao. Đừng đầu tư nhiều hơn những gì bạn có thể để mất.