Mời các bạn cùng điểm qua một số sự kiện nổi bật của không gian tiền số trong bản tin vắn crypto ngày 14/09/2022 của TintucNFT .
1, Ethereumpow sẽ ra mắt mainnet sau The Merge 2
Sau khi nâng cấp The Merge của Ethereum diễn ra và blockchain chuyển sang bằng chứng cổ phần (PoS), một mã thông báo phân nhánh mới cũng sẽ được sinh ra có tên là Ethereumpow (ETHW) . Vào ngày 12 tháng 9 năm 2022, các nhà phát triển cốt lõi của ETHW đã thông báo “Mạng chính ETHW sẽ xảy ra trong vòng 24 giờ sau The Merge.” Bài đăng lưu ý rằng “thời gian chính xác sẽ được công bố 1 giờ trước khi ra mắt với đồng hồ đếm ngược và mọi thứ bao gồm mã cuối cùng, tệp nhị phân, tệp cấu hình, thông tin nút, RPC, trình khám phá, v.v. sẽ được công khai khi hết thời gian. ”
Nhóm ETHW đã xuất bản thư ngỏ cho cộng đồng vào ngày 29 tháng 8, nhằm tóm tắt một số ý định của dự án. Đây sẽ là một nhóm “chuyên gia kỹ thuật và các nhà đầu tư tiền điện tử ẩn danh đến từ khắp nơi trên thế giới” . Họ đã chia sẻ về lý do đằng sau những nỗ lực của nhóm như sau;
PoS thực sự là một công cụ thay đổi cuộc chơi, nhưng chỉ theo những cách xấu. Tuy nhiên, PoW có thành tích 12 năm về độ tin cậy, mạnh mẽ và khả năng chống kiểm duyệt. Việc tiếp tục một Ethereum PoW là điều không có gì phải bàn cãi đối với những người ủng hộ sự cởi mở và thị trường tự do vì không có nhược điểm.
Sự ra đời của một fork mới trên ethereum, đồng nghĩa với việt tất cả những người sở hữu ethereum sẽ có thể nhận được ETHW theo một cách nào đó. Một số người dùng sẽ nhận được ETHW từ các sàn giao dịch chấp nhận nó. Những người giữ ETH trong ví không giám sát sẽ có thể chia tiền của họ như đã làm với ethereum classic
2, Liên minh tài chính phố Wall xây dựng sàn giao dịch Crypto
Một bước tiến lớn của những gã không lồ phố Wall đã được nhà báo tiền điện tử Wu blockchain đưa tin vào hôm qua khiến cộng đồng tiền điện tử vô cùng phấn khích. Cụ thể một loạt ông lớn tài chính Phố Wall bao gồm Charles Schwab, Citadel Securities, Fidelity Digital Assets, Paradigm, Sequoia Capital và Virtu Financial sẽ cùng bắt tay nhau xây dựng một sàn giao dịch crypto mang tên EDX Markets (EDXM) để cung cấp dịch vụ cho người dùng Mỹ. EDX Markets tuyên bố sẽ tận dụng các công nghệ tốt nhất từ các tổ chức sáng lập, kết hợp với những bí quyết kinh doanh đúc kết từ thị trường tài chính truyền thống để mang đến khả năng giao dịch tài sản số an toàn và hiệu quả. Thông cáo báo chí ghi rõ:
“EDXM sẽ tạo lập một hệ sinh thái tiền mã hóa giàu thanh khoản từ nhiều market maker khác nhau để giảm chênh lệch giá và gia tăng minh bạch. Cam kết hình thành giá và đảm bảo hiệu quả sẽ mang đến những mức giá giao dịch tốt hơn cho nhà đầu tư, so với các sàn hiện tại.”
Đây có thể nó là một tin tức tích cực trong mùa downtrend cho thấy Crypto đang dần tạo được chổ đứng trong lòng trung tâm tài chính thế giới.
3, Crypto “đỏ lửa” sau khi CPI của Hoa Kỳ tăng bất ngờ
Theo dữ liệu mới công bố, Chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng (CPI) của Hoa Kỳ bất ngờ tăng trong tháng 8, củng cố đặt cược về đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản thứ ba liên tiếp từ Cục Dự trữ Liên bang vào tuần tới.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Bộ Lao động cho thấy CPI hàng tháng đã tăng 8,3% trong khi các nhà kinh tế dự đoán mức tăng 8,1%.
Nếu loại trừ các thành phần lương thực và năng lượng có nhiều biến động, CPI cốt lõi đã tăng lên 6,3% từ mức 5,9% trong tháng 7 gây thêm áp lực buộc Fed tiếp tục đà tăng lãi suất.
Peter Cardillo, nhà kinh tế trưởng thị trường tại Spartan Capital Securities ở New York cho biết: “CPI tháng 8 sẽ củng cố quyết định cứng rắn để chống lạm phát của Fed”. Phản ứng trước thông tin CPI tăng nhiều hơn dự đoán của các nhà hoạch định, cổ phiếu công nghệ Mega-cap Apple và Microsoft Corp giảm khoảng 2% mỗi cổ phiếu, trong khi Tesla, Alphabet, Amazon và Meta Platforms giảm từ 2,5% đến 3,2%. Tín hiệu không quá khả quan này, cũng đã khiến giá BTC và ETH đều bắt đầu dump mạnh.
Giá BTC đã trượt mạnh từ khoảng 22.800 USD chỉ vài phút trước khi tin CPI công bố. Đã có lúc giá đồng coin này chạm 20.900 USD. Trong khi đó, Giá ETH cũng trượt mạnh từ khoảng 1.760 USD xuống chỉ còn 1.580 đô la vài giờ sau đó.
Thị trường tiền tệ hiện chứng kiến 85% khả năng lãi suất tăng 75 điểm cơ bản và 15% khả năng Fed tăng vọt 100 bps tại cuộc họp ngày 20 – 21/9 trong khi kỳ vọng lãi suất sẽ đạt đỉnh khoảng 4,21% vào tháng 3/2023.
4, Ethereum sẽ không còn đối mặt với nguy cơ bán tháo từ thợ đào
Theo dữ liệu mới nhất từ Arcane Research, các thợ đào Ethereum đã thêm khoảng 30 tỷ USD tiền điện tử vào ví của họ trong hai năm qua nhờ hoạt động khai thác ETH. Với bản cập nhật The Merge xuất hiện, thị trường sẽ không còn phải đối mặt với áp lực bán lên đến hàng tỷ USD mỗi năm.
Áp lực bán hàng của các trader luôn là yếu tố tiêu cực đối với hoạt động của một loại tài sản trên thị trường, đặc biệt nếu tính thanh khoản của dự án có vấn đề hoặc tương đối thấp.
Do đó, việc mất đi áp lực bán hàng tỷ USD chắc chắn sẽ giúp ích cho hoạt động tích cực của tiền điện tử trên thị trường.
Tuy nhiên, việc thiếu áp lực bán từ các thợ đào Ethereum sẽ được thay thế một phần bằng lợi nhuận của những trình xác thực từ việc staking Ethereum.
5, Doodles đạt mức định giá 704 triệu đô trong vòng gọi vốn mới nhất
Vào hôm qua, Doodles, một bộ sưu tập gồm 10.000 NFT ra mắt vào tháng 10/2021, đã tổ chức một vòng gọi vốn trị giá 54 triệu USD với sự tham gia của 776 (quỹ đầu tư của đồng sáng lập Reddit Alexis Ohanian), Accrew Capital, FTX Ventures và 10T Holdings.
Một điều bất ngờ là các quỹ dã trao cho Doodles mứ định giá lên đến 704 triệu USD, biến đây trở thành dự án NFT được định giá cao thứ hai từ trước đến nay sau Yuga Labs với mức 4 tỷ.
Doodles cho biết sẽ sử dụng số tiền mới kiếm được để mở rộng sang các mảng đang nổi gồm NFT gaming và NFT âm nhạc như là một phần của kế hoạch Doodles 2.0 đang được ra mắt, cũng như mở rộng đội ngũ nhân sự.
Sau vòng gọi vốn, dự án này cũng cũng đã mời bà Katelin Holloway, thành viên sáng lập quỹ 776, vào đội ngũ quản lý.
6, Cổ đông Twitter chấp nhận đề nghị mua lại của Elon Musk
Theo Bloomberg đưa tin, các cổ đông của nền tảng mạng xã hội phổ biến Twitter đã tham gia bỏ phiếu về giá thầu tiếp quản 44 tỷ đô la của Elon Musk.
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố hôm thứ Ba, đa số các cổ đông đã bỏ phiếu ủng hộ việc chấp nhận đề nghị mua lại của Musk.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau hai tuần khi một hồ sơ cho thấy Elon Musk đã gửi một lá thư thứ hai, với nỗ lực chấm dứt thỏa thuận mua lại Twitter.
Ban đầu, Musk đã đề nghị mua lại Twitter vào tháng 4, tuy nhiên đã gia hạn thời gian thêm 1 tháng với lý do xoay quanh lo ngại về việc số lượng tài khoản giả mạo trên nền tảng này, sau đó Musk gửi bức thư đầu tiên vào tháng 7, khẳng định Twitter cung cấp thông tin sai lệch và gây hiểu lầm.
Được biết, thương vụ mua lại của Musk trị giá 44 tỷ đô la, với 54,20 đô la cho mỗi cổ phiếu. Giá cổ phiếu hiện tại của Twitter đã tăng 1,6% lên 42,09 đô la.
7, Tornado Cash và màn “comeback” tại Hoa Kỳ?
Phá vỡ sự im lặng kéo dài hơn một tháng kể từ khi áp đặt lệnh cấm dịch vụ trộn tiền điện tử Tornado Cash, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã chính thức đưa ra các hướng tiếp cận mới giúp người dùng Tornado Cash có thể thu hồi lại tiền của họ, đồng thời giải quyết các câu hỏi cấp bách khác về tác động của các lệnh trừng phạt.
Bộ Tài chính cho biết việc người dân Hoa Kỳ đã từng tương tác với Tornado Cash, thông qua một số hoạt động như sao chép mã, không cung cấp trực tuyến hoặc xuất bản nó qua một phương tiện khác…sẽ không bị coi là vi phạm các lệnh trừng phạt do Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (viết tắt là OFAC) áp đặt. Đồng thời, người dùng có thể truy cập các kho lưu trữ trên internet cho trang web lịch sử Tornado Cash, cũng như sẽ không bị cấm truy cập vào trang web nền tảng nếu nó hoạt động trở lại.
Theo thông báo, người dùng hoàn toàn có thể tương tác với Tornado Cash miễn là không liên quan đến giao dịch bị cấm. Những người đã tham gia giao dịch trên nền tảng này trước khi các lệnh trừng phạt được áp dụng vào ngày 8/8, có thể đăng ký giấy phép với OFAC để tiến hành rút lại tiền của mình. Ngoài ra, OFAC sẽ có chính sách cấp phép thuận lợi đối với các nền tảng tương tự như vậy, nếu nó không liên quan đến các hành vi bất hợp pháp.
8, Binance đối mặt với vụ kiện tập thể tại Ý
Sàn giao dịch tiền điện tử Binance đang đối mặt với một vụ kiện tập thể từ một nhóm các nhà đầu tư ở Ý và quốc tế, và có lệnh ra hầu tòa vào ngày 15/9 tới.
Một nhóm người dùng Binance ở Ý và quốc tế đã đệ đơn kiện công ty và Giám đốc điều hành Changpeng Zhao vào tháng 11/2021, với cáo buộc rằng các sự cố ngừng hoạt động của sàn giao dịch vào những thời điểm quan trọng của năm ngoái, đã khiến người dùng không thể thay đổi vị trí giao dịch, và dẫn đến các khoản lỗ lên đến hàng chục triệu đô la.
Vụ kiện cũng cáo buộc rằng Binance đã vi phạm các quy định tài chính của Ý, khi cho phép người dùng của quốc gia này giao dịch hợp đồng tương lai có đòn bẩy trên nền tảng này.
Theo báo cáo, Binance chưa tham gia bất kỳ phiên tố tụng nào, nếu phía sàn giao dịch vẫn không xuất hiện vào ngày 15/9 tới tại tòa án Milan, thẩm phán sẽ tự đưa ra quyết định về vụ việc mà không có sự hiện diện của Binance, và công ty sẽ mất quyền đưa ra tuyên bố bào chữa.
Binance không phải là sàn giao dịch duy nhất rơi vào trạng thái ngoại tuyến, khi khối lượng giao dịch đột ngột tăng mạnh. Trong bối cảnh các tin tức lớn thúc đẩy giá tiền điện tử tăng lên, các nhà giao dịch có xu hướng đổ xô vào các sàn như Binance, khiến các sàn giao dịch chịu áp lực và dẫn đến tắc nghẽn hoạt động.
9, NEAR ra mắt trung tâm Web3 tại Việt Nam
Trong một thông báo gần đây, NEAR Foundation, tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sĩ, đứng sau giao thức NEAR, cho biết họ đã hợp tác với quỹ đầu tư hàng đầu GFS Ventures, nhằm khởi động một trung tâm khu vực cho nền tảng NEAR tại Việt Nam, dành riêng cho việc đổi mới, giáo dục và phát triển nhân tài thuộc lĩnh vực blockchain cho toàn khu vực.
Trung tâm NEAR tại Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi GFS Ventures, bao gồm Bộ phận truyền thông Blockchain GFS và hệ thống học viện VBI, với mục tiêu đào tạo cộng đồng NEAR Developer trong cả nước, thiết lập các phòng thí nghiệm blockchain tại các trường đại học, và nghiên cứu phát triển các ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Có thể nói Việt Nam là một thị trường khá tiềm năng. Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đã đi đến giai đoạn bùng nổ, khi chứng kiến hơn 8 triệu người dùng tham gia vào không gian mới nổi, và số công ty khởi nghiệp mới thuộc lĩnh vực này cũng tăng gấp đôi trong nước. Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia được xếp thứ 5 trong số 154 quốc gia có chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu cao, và là quốc gia có 1/5 dân số sở hữu tiền điện tử.
10, Hậu chặn rút tiền – nhóm khai thác BTC Poolin đưa ra động thái mới
Nhóm khai thác Bitcoin lớn nhất tính theo tỷ lệ băm – Poolin, đã có những động thái mới nhất, sau hơn 1 tuần thông báo tạm ngừng rút tiền do vấn đề thanh khoản. Theo đó, nhóm đã thông báo rằng họ sẽ phát hành mã thông báo IOU với nỗ lực giảm thiểu tác động của sự cố trên cho người dùng.
Theo thông báo, Poolin cho biết dịch vụ ví của họ sẽ phát hành mã thông báo IOU ERC-20 cho những người dùng hiện không thể rút BTC, ETH, USDT và các loại tiền điện tử khác. Cụ thể, vào ngày 15/9, nhóm khai thác sẽ phát hành các mã thông báo IOU tương ứng với các loại tiền điện tử trên, với tỷ lệ 1:1 dựa trên tài sản nắm giữ của người dùng.
Được biết, hiện Poolin đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản ngắn hạn, bao gồm việc tìm kiếm các khoản đầu tư,hoán đổi nợ-vốn chủ sở hữu và thanh lý tài sản.
Lưu ý quan trọng: Toàn bộ nội dung trên website chỉ dành cho mục đích thông tin và hoàn toàn không phải là lời khuyên đầu tư hoặc tài chính. Không có thông tin nào trên trang web này cấu thành để: dựa vào, gợi ý, đề nghị hoặc mời gọi, tham gia vào bất kỳ hoạt động nào liên quan đến đầu tư hoặc giao dịch tài sản số.Và chúng tôi luôn luôn phải nhắn nhủ rằng: Các khoản đầu tư tiền điện tử có tính chất mạo hiểm và rủi ro cao. Đừng đầu tư nhiều hơn những gì bạn có thể để mất.