Mời các bạn cùng điểm qua một số sự kiện nổi bật của không gian tiền số trong bản tin vắn crypto ngày 17/07/2022 của TintucNFT.
Ripple chi hơn 100 triệu đô la, quyết tâm kiện SEC tới cùng
Giám đốc điều hành Ripple – Brad Garlinghouse, đã tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, công ty sẽ chi hơn 100 triệu đô la cho các chi phí pháp lý vào thời điểm vụ kiện với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (hay còn gọi là SEC) được giải quyết. Theo Garlinghouse, SEC chủ yếu nhắm vào phần lớn các doanh nghiệp tiền điện tử thiếu nguồn lực tài chính cần thiết để có thể chống lại cơ quan quản lý này. Dẫn đến việc các công ty liên tục bị đe dọa và phải chấp nhận các thỏa thuận mà SEC đưa ra. Đồng thời, Garlinghouse cũng cung cấp một số thông tin chi tiết về lý do tại sao Ripple quyết định theo đuổi tới cùng vụ việc này, theo ông việc tiếp tục đấu tranh là rất quan trọng đối với toàn bộ lĩnh vực tiền điện tử nói chung, không chỉ riêng đối với Ripple. Vì thế, công ty quyết định kiện tới cùng, buộc SEC phải cung cấp sự rõ ràng về quy định cho lĩnh vực mới nổi. Cuộc chiến giữa SEC và Ripple được cho là trường hợp lớn nhất từng diễn ra trong không gian tiền điện tử. Nếu Ripple thắng kiện, SEC sẽ buộc phải cung cấp các hướng dẫn minh bạch hơn cho hoạt động kinh doanh tiền điện tử. Ngược lại, nếu thua kiện, SEC rất có thể sẽ hành động nhiều hơn nữa để đàn áp các công ty trong không gian tiền điện tử.
Các thợ đào đã thanh lý gần 400% sản lượng BTC vào tháng 6
Theo một nghiên cứu mới nhất từ công ty phân tích blockchain – Arcane Research, các công ty khai thác đã bán gần 400% sản lượng BTC của họ vào tháng 6/2022. Mặc dù từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, các công ty khai thác BTC chỉ bán 20% đến 40% sản lượng để theo kịp chiến lược HODL của họ. Tuy nhiên, đã có sự thay đổi khi BTC bắt đầu lao dốc vào tháng 5. Tính đến tháng 6, các thợ đào đã thanh lý tổng cộng 14.600 BTC, tương đương 300 triệu đô la, con số này cao gấp 4 lần tổng sản lượng 3.900 BTC mà họ đã khai thác trong tháng 6. Theo báo cáo, Core Scientific và Bitfarms là hai công ty khai thác có tỷ trọng thanh lý lớn nhất. Cụ thể, Core Scientific đã bán gần 10.000 BTC, và hiện chỉ nắm giữ 1.959 BTC. Trong khi, Bitffarms đã bán 3.353 BTC. Phần lớn số tiền thu được từ việc bán BTC, sẽ được chi trả cho chi phí khai thác và việc nâng cấp cơ sở hạ tầng sắp tới, để có thể tiếp tục chống chọi với tình hình bất ổn của thị trường. Hiện Marathon và Hut 8 là hai công ty khai thác nắm giữ nhiều BTC nhất sau khi quyết định không bán bất kỳ BTC nào trong tháng 5 và tháng 6.
Coinbase có thể là công ty tiếp theo “phá sản”?
Sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu Coinbase, gần đây đã vấp phải rất nhiều những “tai tiếng” liên quan đến sự “tụt giảm phong độ” trong không gian, và hàng loạt những nghi vấn xung quanh việc mất khả năng thanh toán. Business Insider đã báo cáo rằng Coinbase hiện đang tạm ngừng chương trình tiếp thị liên kết của mình ở Mỹ. Theo một email được gửi đến 3 người sáng tạo, sàn giao dịch sẽ tạm ngừng chương trình của mình từ ngày 19/7, với lý do điều kiện bất ổn của thị trường. Ngoài ra, Ben Armstrong, một người có sức ảnh hưởng trong không gian tiền điện tử và là nhà sáng lập Bitboy Crypto, đã lên tiếng cảnh báo cộng đồng rằng một số dữ liệu gần đây cho thấy Coinbase có thể trở thành công ty tiếp theo gặp rắc rối liên quan đến khả năng thanh toán. Cùng với các nghi vấn trên, Mike Dudas, nhà đồng sáng lập 6th Man Ventures, đã gọi nền tảng NFT của Coinbase là một sự ra mắt thất bại và có thể “đóng cửa” bất cứ lúc nào. Gần đây, giá cổ phiếu của Coinbase đã giảm gần 85%, từ mức cao nhất mọi thời đại là 357 đô la xuống còn 53,79 đô la. Khi chứng kiến hàng loạt những khó khăn liên tiếp diễn ra, như Goldman Sachs đã hạ cấp xếp hạng Coinbase xuống mức bán, từ mức ATH 75 tỷ đô la vào năm ngoái, đã giảm xuống chỉ còn 12,4 tỷ đô la, đồng thời ghi nhận khoản lỗ 430 triệu đô la trong quý đầu tiên của năm 2022 do thị trường biến động; Khối lượng giao dịch và tài sản trên nền tảng cũng đều giảm đáng kể. Đứng trước tình trạng trên, công ty đã thông báo sa thải hơn 18% nhân sự, để cắt giảm bớt chi phí.
Ngân hàng Trung ương Nam Phi thay đổi quan điểm về tiền điện tử
Kuben Naidoo – Phó Thống đốc của Ngân hàng Trung ương Nam Phi (hay còn gọi là SARB), gần đây đã cho biết rằng cơ quan này đã thay đổi lập trường của mình về tiền điện tử, và hiện đang tìm cách giới thiệu một khuôn khổ quản lý các giao dịch liên quan đến lĩnh vực mới nổi này. Tuy nhiên, Naidoo cũng lưu ý rằng ý định của ngân hàng là muốn đảm bảo rằng các nhà đầu tư luôn phải được bảo vệ, và có nhiều công cụ an toàn hơn để tham gia vào thị trường, chứ không phải muốn đàn áp ngành. Đồng thời, ông cũng tuyên bố việc sử dụng tiền điện tử cho những hoạt động bất hợp pháp là một trường hợp đáng lo ngại cần được giải quyết. Về các sàn giao dịch tập trung, Naidoo khẳng định họ sẽ phải tuân thủ các luật Chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Bên cạnh đó, sàn giao dịch cũng sẽ phải tuân thủ các quy tắc hợp đồng hối đoái. Đây được cho là một trong những tín hiệu tốt đối với thị trường tiền điện tử ở Nam Phi. Bởi lẽ vào cuối năm ngoái, quốc gia này đã có những động thái khá gay gắt đối với tiền điện tử, khi thực hiện lệnh chặn hàng loạt các giao dịch tiền điện tử trên sàn giao dịch quốc tế.
Charles Hoskinson lên tiếng chỉ trích Michael Saylor vì “đề cao hóa” BTC
Trong một AMA gần đây từ Monglia, nhà sáng lập Cardano – Charles Hoskinson, đã lên tiếng chỉ trích Michael Saylor (CEO của MicroStrategy) vì coi ADA là một chứng khoán và đề cao hóa BTC. Hoskinson đã lập luận rằng ADA phi thực tế hơn nhiều so với BTC, vì nó có nhiều tiện ích hơn, trong khi BTC chỉ đơn thuần là một vật lưu trữ giá trị. Ông cho rằng mọi người tiếp tục mua ADA không chỉ để đầu tư, mà còn để chi tiêu ADA vào các sản phẩm và dịch vụ khác nhau được cung cấp bởi các dự án dựa trên Cardano. Ngoài ra, Hoskinson đã so sánh Saylor giống như Tone Vays – một nhân vật rất “cuồng” BTC và xem mọi dự án khác đều là trò lừa đảo. Đồng thời, cảnh báo rằng nếu BTC không hoạt động theo cách mà Saylor mong đợi, anh ta sẽ phá sản.
Tấm Thiên An vướng nghi vấn lừa đảo, vỡ nợ 1.000 tỷ vì đầu tư coin?
Câu chuyện về việc mượn danh người nổi tiếng hay người có sức ảnh hưởng, để ra sức “lùa gà” hoặc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đã không còn quá xa lạ trong giới crypto Việt Nam nói chung. Gần đây nhất, một blogger khá nổi trên các nền tảng mạng xã hội và được cộng đồng mạng ưu ái đặt cho cái tên “bậc thầy phong thủy” Anh Tấm, đã vướng nghi vấn gọi vốn tiền tỷ để đầu tư coin, chứng khoán phức tạp. Thiên An hay còn được biết đến với bút danh Anh Tấm, là một blogger sở hữu kênh Youtube hơn 136 nghìn người theo dõi, nội dung trên kênh của anh chủ yếu là về phong thủy, tâm linh, tư vấn mệnh số được nhiều người đánh giá là rất chuẩn. Ngày 15/7 Anh Tấm bất ngờ bị réo tên thông qua loạt bài đăng tố vỡ nợ nghìn tỷ liên quan đến đầu tư, khiến cộng đồng xôn xao. Đến sáng ngày 16/7, nhiều người dùng phát hiện facebook cá nhân của “thầy phong thủy” đã bay màu, chỉ còn lại trang fanpage với hơn 300 nghìn người theo dõi. Trang cá nhân của Kiều Oanh, vợ Anh Tấm vẫn hoạt động nhưng đã hạn chế chức năng bình luận, điều này lại khiến cộng đồng hoang mang hơn nữa. Mặc dù đây chỉ là tin đồn, nhưng theo nhiều thông tin được chia sẻ trên Facebook, Anh Tấm được cho là đã mượn nợ của rất nhiều người, với tổng giá trị tiền rất lớn, sau đó bất ngờ biến mất không lý do. Có nhiều cáo buộc cho rằng anh chàng này đã mượn danh “bậc thầy phong thủy” để lấy lòng tin và vay mượn tiền, sau đó đổ vào crypto, chứng khoán. Khi thị trường diễn biến bất ổn, Anh Tấm bắt đầu thua lỗ dẫn đến mất khả năng chi trả. Hiện người trong cuộc vẫn chưa lên tiếng phản hồi, câu chuyện vẫn sẽ được CryptoleakVn cập nhật ngay sau khi có thông tin mới nhất.
Vốn hóa thị trường của DeFi giảm gần 75% trong Quý 2/2022
Cùng với sự sụp đổ trên toàn thị trường, các giao thức tài chính phi tập trung (hay còn gọi là DeFi) cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về khối lượng giao dịch. Có thể thấy nửa đầu năm 2022 là một chặng đường vô cùng gập ghềnh đối với các nhà đầu tư tiền điện tử. Theo một báo cáo gần đây từ CoinGecko, các nhà đầu tư đang “đau đầu” với khoản lỗ nặng khi vốn hóa thị trường DeFi giảm hơn 74% trong Quý 2 của năm. Theo báo cáo, lĩnh vực DeFi đã đi chệch hướng, chủ yếu là do di chấn nặng nề mà sự sụp đổ Terra để lại. Sự cố 60 tỷ đô la của Terra đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ ngành, đặc biệt là với không gian DeFi, khi vốn hóa thị trường của nó giảm từ 142 triệu đô la xuống 36 triệu đô la chỉ trong 3 tháng. Mặt khác, sự gia tăng của các vụ hack liên quan đến DeFi gần đây, càng làm trầm trọng thêm sự suy thoái của thị trường, cũng như làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư đối với một số giao thức nổi tiếng. Mặc dù ghi nhận sự xuống dốc, song lĩnh vực này vẫn giữ chân được hầu hết người dùng. Theo CoinGecko, trong khi tổng số người dùng hoạt động hàng ngày giảm 34%, từ 50.000 xuống chỉ còn 30.000 người dùng trong Quý II, nhưng có một số trường hợp nhất định khiến hoạt động DeFi đã tăng đột biến. Gần đây nhất, các giao thức DeFi đã chứng kiến lượng người dùng hoạt động hàng ngày tăng 24% khi Celsius áp đặt các hạn chế rút tiền vào tháng 6.
Hơn 248 triệu đô la stablecoin “chảy” khỏi Coinbase, sau nghi vấn phá sản
Như đã được đề cập trước đó, sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu Coinbase đang vướng nghi vấn “phá sản”, với hàng loạt những cáo buộc liên quan đến việc mất khả năng thanh toán. Đứng trước những tin đồn này, Coinbase đã chứng kiến khoảng 50% số lượng stablecoin trên Coinbase Pro “chảy” khỏi sàn giao dịch vào ngày 15/7, với tổng giá trị lên đến khoảng 248 triệu đô la, theo dữ liệu từ CryptoQuant. Tỷ lệ phần trăm stablecoin chảy ra khỏi Coinbase cao hơn đáng kể so với các sàn giao dịch khác như Binance. Vào tháng 1 năm 2022, stablecoin trên Coinbase đạt đỉnh khoảng 1,2 tỷ đô la, nhưng hiện giá trị chỉ ở mức 284 triệu đô la. Ngoài ra, Coinbase cũng chứng kiến sự sụt giảm liên tục của BTC trong dự trữ của mình, trong khi Binance đã tăng trong cùng thời gian. Tuy nhiên, theo CryptoQuant, xu hướng giảm của BTC được tổ chức trên Coinbase có thể chỉ đơn giản là do sự phổ biến ngày càng tăng của việc sử dụng tiền điện tử trên các ví không lưu ký. Song song với việc nhiều người trong cộng đồng tiền điện tử đưa ra các cảnh báo về sự sụp đổ của Coinbase, cũng có một số chuyên gia lên tiếng bảo vệ sàn giao dịch, khi khẳng định rằng Coinbase không bị khủng hoảng thanh khoản và hiện nắm giữ 6 tỷ đô la tiền mặt cũng như sở hữu dự trữ tiền điện tử khá lớn. Vào ngày 12/7, Nhà đồng sáng lập Coinbase – Brian Armstrong, đã tweet trấn an người dùng rằng công ty vẫn đang nỗ lực điều chỉnh để đạt được mức tăng trưởng tương tự với năm 2021.
Khác với Châu Âu, người Mỹ Latinh có xu hướng thích sử dụng tiền điện tử
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi công ty blockchain Ripple, Mỹ Latinh và Trung Đông là nơi tiền điện tử được quan tâm nhiều nhất, mặt khác Châu Âu lại có xu hướng ngược lại. Điều này phần nào cho thấy rằng những khu vực có nền kinh tế gặp khó khăn, thường nhận thấy tiền điện tử và blockchain hấp dẫn hơn nhiều so với các quốc gia phát triển. Hai phần ba số người Mỹ Latinh được khảo sát cho biết họ thích giao dịch với các tổ chức chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử, trong khi 50% tin rằng lĩnh vực này sẽ có tác động lớn đến tài chính và xã hội. Công dân của các quốc gia Trung Đông cũng phản ứng tương tư. Khi có đến 67% cho biết họ muốn giao dịch với các doanh nghiệp sử dụng tiền điện tử như một phương tiện thanh toán. Đồng thời, những cư dân này cũng nằm trong số những người có xu hướng đầu tư cá nhân vào BTC hoặc altcoin nhất. Điều thú vị là họ đã thể hiện sự tin tưởng rất lớn vào các tổ chức ngân hàng địa phương, với 65% số người được hỏi muốn mua tiền điện tử từ ngân hàng thay vì ở các sàn giao dịch. Tuy nhiên, người Châu Âu có vẻ ít quan tâm đến lĩnh vực này. Chỉ 35% cho rằng tiền điện tử sẽ ảnh hưởng tích cực đến mạng lưới tiền tệ trong tương lai, trong khi 41% cho biết họ đã giao dịch với các doanh nghiệp chấp nhận tiền điện tử.
Các “ông lớn” tiền điện tử không ngại chi “khủng” để tác động chính sách
Báo cáo tài chính chiến dịch của Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ ở New York – Kirsten Gillibrand, đã chứng kiến hơn 150.000 đô la được quyên góp từ các doanh nhân tiền điện tử. Theo báo cáo, tổng số tiền được quyên góp là hơn 1,3 triệu đô la, trong đó có 150.000 đô la đến từ một số doanh nhân tiền điện tử như Sam Bankman-Fried (CEO của sàn giao dịch FTX), cặp song sinh Winklevoss (Đồng sáng lập sàn giao dịch Gemini), cùng hàng loạt những “ông lớn” khác. Cụ thể, Sam Bankman đã quyên góp 5.800 đô la, trong khi Brett Harrison (Chủ tịch FTX chi nhánh Hoa Kỳ) hỗ trợ 2.900 đô la. Cùng với 19.400 đô la đến Quỹ phòng hộ tiền điện tử Multicoin Capital. Các khoản đóng góp cũng đến từ các cá nhân trong các tổ chức chính thống ủng hộ tiền điện tử, như Trưởng bộ phận quản lý và chính sách tại Bain Capital – TuongVy Le…Cùng các nhà lãnh đạo nhóm ngành như Chủ tịch Hội đồng Blockchain Texas – Lee Bratcher, v.v… Gillibrand là một thượng nghị sĩ kỳ cựu, người đã đưa ra đề xuất dự luật quy định có lợi cho tiền điện tử cùng với Thượng nghị sĩ Đảng cộng hòa Cynthia Lummis. Hành động này của Gillibrand, đã được hầu hết các bên liên quan trong ngành công nghiệp tiền điện tử hoan nghênh. Vì thế cũng không có gì quá ngạc nhiên khi có nhiều doanh nhân hay người ủng hộ tiền điện tử ồ ạt quyên góp cho các chính trị gia như Gillibrand, để góp phần tác động đến các chính sách có lợi cho ngành.
Lưu ý quan trọng: Toàn bộ nội dung trên website chỉ dành cho mục đích thông tin và hoàn toàn không phải là lời khuyên đầu tư hoặc tài chính. Không có thông tin nào trên trang web này cấu thành để: dựa vào, gợi ý, đề nghị hoặc mời gọi, tham gia vào bất kỳ hoạt động nào liên quan đến đầu tư hoặc giao dịch tài sản số.
Và chúng tôi luôn luôn phải nhắn nhủ rằng: Các khoản đầu tư tiền điện tử có tính chất mạo hiểm và rủi ro cao. Đừng đầu tư nhiều hơn những gì bạn có thể để mất.